Bài giảng Chúa nhật 18 Thường niên năm B

01-08-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa nhật 18 Thường niên năm B by

Trong cuộc tranh luận được thánh Gioan ghi lại, Chúa Giêsu đã chứng minh Người là Bánh bởi trời. Người là Manna mới Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, giống như Manna của thời lữ hành. Tấm bánh có tên gọi Giêsu được ban không chỉ riêng cho dân tộc Do Thái, mà là cho cả thế giới. Ngày hôm nay, tấm bánh ấy là Thánh Thể, được hiến dâng mỗi ngày trên bàn thờ để trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống các tín hữu.

BÀI 1: BÁNH BỞI TRỜI

Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về đề tài Bánh Hằng Sống được ghi lại trong bối cảnh Lễ Vượt Qua. Đây là thời điểm người Do Thái ăn bánh không men để tưởng nhớ biến cố Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa Giêsu đã khởi đi từ phép lạ Manna để chứng minh Người là Bánh đích thực mà Chúa Cha ban cho nhân loại. Khi nói đến Manna, bất cứ người Do Thái nào cũng liên tưởng đến những phép lạ Thiên Chúa đã làm để nuôi dưỡng tổ tiên của họ. Qua việc ban Manna và chim cút cho dân lữ hành trong sa mạc, Thiên Chúa vừa chứng tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy tình yêu thương Ngài dành cho dân riêng. Những ai theo Chúa sẽ không bị bỏ rơi, nhưng được Ngài chăm sóc phần hồn phần xác. Ngài nuôi dưỡng họ bằng Manna trong suốt hành trình về Đất Hứa. Được ban mỗi ngày, Manna là nguồn sức mạnh vừa thiêng liêng vừa phàm trần, giúp họ nhận ra sự đồng hành của Chúa.
 
Trong cuộc tranh luận được thánh Gioan ghi lại, Chúa Giêsu đã chứng minh Người là Bánh bởi trời. Người là Manna mới Chúa Cha ban tặng cho nhân loại, giống như Manna của thời lữ hành. Tấm bánh có tên gọi Giêsu được ban không chỉ riêng cho dân tộc Do Thái, mà là cho cả thế giới. Ngày hôm nay, tấm bánh ấy là Thánh Thể, được hiến dâng mỗi ngày trên bàn thờ để trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống các tín hữu.
 
Cùng với sự kiện Manna, Cựu ước cũng ghi lại sự cứng lòng của dân Do Thái. Trước sự thiếu thốn vật chất, họ đã nhanh chóng quên tình thương của Chúa thể hiện qua cuộc giải phóng ngoạn mục. Họ phàn nàn kêu trách ông Môi-sen và quy mọi trách nhiệm cho ông. Những nhu cầu vật chất đã khiến họ ước mong trở lại thời nô lệ bên Ai Cập. Chi tiết muốn quay lại Ai Cập được nhắc tới như một sự mỉa mai, bởi vì truớc đó, họ tìm mọi cách để thoát cảnh áp bức và công việc nô dịch tại đất nước này. Cám dỗ của dân Do Thái ngày xưa cũng chính là cám dỗ triền miên của con người mọi nơi mọi thời. Vì vật chất, họ sẵn sàng chối bỏ Thiên Chúa và lãng quên bao điều tốt lành Chúa đã làm trong cuộc đời. Con người cũng thường đổ lỗi cho Thiên Chúa vì những bất tiện hoặc tai ương, trong khi có nhiều tai ương do chính họ là thủ phạm.
 
Khi dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, Chúa che chở và hướng dẫn họ bằng cột mây, cột lửa và nuôi dưỡng họ bằng Manna, nay Chúa Giêsu là Bánh bởi trời, để nên nguồn sống cho chúng ta. Thánh Thể là Bánh trường sinh. Ai ai ăn bánh này sẽ được biến đổi mỗi ngày để được thần linh hóa và được sống vĩnh cửu. Được nuôi dưỡng bởi bánh từ trời, người tín hữu mặc dù đang sống giữa trần gian đã phần nào nếm hưởng hạnh phúc thiên đàng. Vì hạnh phúc thiên đàng là gì nếu không phải được kết hợp với Chúa, được chiêm ngưỡng và ca tụng tình thương bao la của Ngài?
 
Những ai lãnh nhận Bánh Thánh Thể mà còn sống trong tội lỗi, sẽ đi ngược lại với ý nghĩa của Bí tích này, vì Thánh Thể là Bí tích của sự canh tân. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy trở nên mới trong lòng trí anh em. Hãy mặc lấy người mới đã được tác thành theo thánh ý Chúa trong sự công chính và thánh thiện xứng với sự thật”. Nhờ năng rước lễ, người Kitô hữu được biến đổi cuộc đời. Mình Thánh Chúa sẽ tác động và làm cho chúng ta trở nên những tạo vật mới, nên giống Chúa Kitô.
 
Chúng ta hãy đến tôn thờ Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Người hiện diện trong thinh lặng để lắng nghe những nỗi lòng của chúng ta. Cũng chỉ trong thinh lặng, chúng ta mới có thể đón nhận lời giáo huấn của Người.
 
Thánh Thể là lời mời gọi sống hiệp nhất giữa các tín hữu. Cũng như tấm bánh được làm nên bởi muôn hạt miến và chén rượu được chế từ ngàn trái nho, những ai được nuôi dưỡng bởi lương thực thiêng liêng này sẽ được liên kết nên một để cùng nhau làm nên một thân thể huyền nhiệm có Chúa Giêsu là Đầu.
 
Người tín hữu còn được mời gọi sống màu nhiệm Thánh Thể qua những nghĩa cử sẻ chia mỗi ngày. Noi gương Chúa Giêsu hy sinh hiến mình làm của ăn của uống cho con người, chúng ta hãy dấn thân phục vụ, quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh, hầu giúp họ tìm được hạnh phúc trong cuộc sống.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: ĐI ĐẠO LẤY GẠO MÀ ĂN

Thấy đám đông  dân chúng như đàn chiên bơ vơ không có người dẫn dắt, nên Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương miệt mài giảng dạy họ, và dân chúng cũng mải mê nghe Chúa đến lúc chiều tà quên cả ăn. Thật tuyệt vời. Chính vì thế, Chúa đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no nê trước khi cho họ về. Hôm sau họ lại đến tìm Chúa. Họ đến tìm Chúa vì thích nghe Ngài giảng hay vì đã được ăn bánh no nê?

Đã có thời ở Việt nam người ta nói: “Đi đạo lấy gạo mà ăn”. Bời vì ở miền bắc thời Pháp thuộc cũng như ở miền nam thời tổng thống Ngô Đình Diệm thế lực đạo Công giáo rất mạnh vì được bảo hộ, ai theo đạo Công giáo thì có nhiều thuận lợi hơn về vật chất cũng như đời sống xã hội. Rồi những xứ truyền giáo được Giáo hội nâng đỡ không những về nhân lực (các nhà truyền giáo) mà còn cả về vật lực nữa nên người ta đã rủ nhau theo đạo để lấy gạo mà ăn. Đến khi xã hội thay đổi cũng như nền kinh tế phát triển người ta thấy không cần dựa vào Giáo hội về mặt kinh tế cũng như xã hội nữa thế là người ta bỏ đạo hàng loạt.

Ở Việt Nam ngày hôm nay cũng giống như ở Pháp cách đây mấy chục năm, giáo dân đi lễ, đi hành hương rất đông, nhưng tương lai Giáo hội Việt Nam có giống như Giáo hội Pháp ngày hôm nay không – nghĩa là phần lớn chỉ còn người già đến nhà thờ  thôi. Đây chính là thao thức của những người môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để mấy chục năm nữa khi kinh tế và xã hội Việt Nam phát triển như những nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ mà giáo dân Việt Nam vẫn đến nhà thờ rất đông.

Thực ra, đây cũng chính là thao thức của Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi thấy đám đông dân chúng đi tìm Ngài, đương nhiên là Chúa rất vui, nhưng Chúa thấy họ tìm Ngài chỉ vì đã được ăn bánh no nê nên Chúa đã dẫn dắt họ đến điều cốt yếu là TIN VÀO CHÚA.

Có lẽ dân chúng đã rất vui và cảm kích khi nghe Chúa loan báo Tin mừng, họ cũng hy vọng rất nhiều vào tương lai tốt đẹp, đó là niềm hy vọng mà Chúa đã khơi lên trong lòng họ. Rồi Chúa lại cho họ ăn no nê nữa, nên họ đã đặt hy vọng rất nhiều vào Ngài. Tuy nhiên, có lẽ dân chúng vẫn chưa đặt vấn đề nghiêm túc và sống còn: Ngài là ai và Ngài thực sự muốn gì, Ngài có thể mang lại những gì cho con người…. Họ đi tìm Ngài vì hy vọng Ngài đáp ứng cho họ những nhu cầu cuộc cuộc sống trần gian, Chúa đã dẫn dắt họ đến điều cốt lõi cho niềm hy vọng vĩnh cửu đó là TIN VÀO NGÀI – Đấng được Thiên Chúa sai đến.

Đây vẫn là vấn đề của người Kitô hữu hôm nay, chúng ta cứ gặp gỡ để hỏi những người đi nhà thờ đi lễ rồi lắng nghe những lời cầu nguyện họ dâng lên Chúa, sẽ thấy rằng đa số là những ước nguyện xin Chúa làm điều này điều khác theo ý mình.
Thực ra tin vào Chúa không phải chỉ là tin Chúa có thể làm được điều này điều kia, nhưng điều cơ bản là dám tín thác vào Chúa, để Chúa toàn quyền cầm lái con thuyền cuộc đời mình như tổ phụ Abbraham –tin tuyệt đối vào Thiên Chúa; như Đức Maria phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong xin vâng trọn cuộc đời.

Lạy Chúa, tin Chúa nên con mới đến với Chúa. Nhưng có lẽ con đến với Chúa vẫn còn là để Chúa đáp ứng những nhu cầu của thân xác  – nhu cầu của cuộc sống trần thế nhiều hơn. Xin Chúa thanh luyện và củng cố Đức tin của trong Chân lý và Tình yêu, để con thực sự đến với Chúa Trong Thần khí Ngài, nhờ thế con có thể được ở với Chúa, chia sẻ tâm tình và sự sống cũng như an bình và hạnh phúc với Chúa ngay trong cuộc đời hiện tại và sẽ viên thành trong cuộc sống đời đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW