Bài giảng Chúa nhật 16 Thường niên – Năm B

18-07-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa nhật 16 Thường niên – Năm B by

BÀI 1: CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Có một chứng bệnh ngày nay người ta nhắc đến khá nhiều, đó là “bệnh vô cảm”. Bệnh này đông tây y đều bó tay, không thể chữa lành. Bệnh vô cảm đang lây lan từ trong nhà ra ngoài phố, từ thành thị đến thôn quê, từ giữa những người xa lạ đến những người thân trong gia đình. Nạn nhân của bệnh vô cảm thì nhiều vô kể: những em bé lang thang, những người già bất hạnh, những gia đình ly tán… Các phương tiện thông tin nhan nhản những hậu quả của căn bệnh này. Bệnh này vừa gây tai hại cho người về tinh thần vật chất, vừa làm xói mòn lòng tin giữa con người với nhau. Trong xã hội của nền kinh tế thị trường, người ta có nguy cơ biến mọi sự thành hàng hóa và lợi nhuận là mục đích hàng đầu. Trái tim con người trở nên chai đá trước nỗi đau của đồng loại. Vì tiền người ta có thể làm mọi sự, kể cả chém giết, cướp bóc và làm cho huynh đệ tương tàn.

Những ngày đầu tháng bảy này, hai vụ thảm sát rúng động xã hội đã xảy ra, một vụ ở Nghệ An (ngày 2-7-2015) và một vụ ở Bình Phước (ngày 7-7). Mọi người đều bàng hoàng và căm phẫn trước mức độ dã man của những kẻ sát nhân, vì có những trẻ em vô tội cũng bị giết cùng với cha mẹ mình. Trước những vụ việc này, người ta nói đến những kẻ sát nhân máu lạnh, những kẻ không còn lương tâm. Con người ngày càng trở nên hoang dã trong cách đối xử với nhau. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng bạo lực và sự dửng dưng vô cảm của con người, đó là sự lãng quên Thiên Chúa, coi thường tiếng nói của lương tâm. Thực vậy, khi không tin vào Chúa, thì chẳng có gì ngăn cản người ta làm điều thất đức. Khi không tôn trọng lương tâm thì chẳng có gì giữ họ khỏi những việc làm xấu xa. Thiên Chúa là trọng tài phân định việc tốt việc xấu. Lương tâm là tòa án được thiết lập để nhắc bảo đâu là điều chính nẻo ngay. Nhờ tin có Chúa mà con người tìm đường hướng đi cho cuộc sống. Nhờ lắng nghe lương tâm mà con người nhận ra những chuẩn mực của cuộc đời. Lãng quên Thiên Chúa sẽ làm cho con người mất lý tưởng. Phủ nhận lương tâm sẽ làm luân lý băng hoại suy đồi.

Trước một đám đông đang đói khát chân lý, Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương”, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Sứ mạng của Đức Giêsu là đem cho nhận loại tình thương của Thiên Chúa. Giáo huấn của Người nhằm giúp cho con người tìm được chân lý vĩnh cửu, đồng thời tìm được ý nghĩa trong cuộc sống hiện tại.

Không chỉ đem cho con người tình thương của Thiên Chúa, Đức Giê-su còn giáo huấn và mời gọi con người hãy thực thi tình mến đối với nhau. Chúng ta có thể chữa được căn bệnh vô cảm, nếu biết noi gương Đức Giê-su, để có một trái tim nhân hậu và quan tâm để ý đến những người xung quanh mình. Thực vậy, Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – đã cảm thông an ủi những người đau khổ và giúp họ lấy lại nghị lực và niềm tin. Tình liên đới với anh chị em là một trong đặc tính căn bản của Ki-tô giáo, vì qua đó, người tín hữu thể hiện hình ảnh của Thiên Chúa, “Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45). Chính Đức Giêsu đã đến để liên kết muôn dân nên một. Ai cũng có thể được đón nhận Tin Mừng Người rao giảng. Không còn sự phân biệt giữa các dân tộc hay nền văn hóa, mà hết thảy đều trở nên một thân thể duy nhất (x. Bài đọc II).

Khi có cái nhìn như cái nhìn “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su, chúng ta sẵn sàng nâng đỡ những anh chị em của mình,  nhất là những người yếu đuối và bất hạnh. Sống trong cuộc đời, mỗi người cũng cần có trách nhiệm đối với nhau và đối với công ích xã hội. Nhiều người tín hữu rất dửng dưng với những phong trào do xã hội khởi xướng nhằm làm đẹp quê hương, giúp bài trừ những tệ nạn, thăng tiến con người và xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh. Những đóng góp tuy nhỏ nhưng nhiều người góp lại sẽ trở thành việc lớn. Xây dựng trái đất này cho tốt đẹp và nhân ái hơn, cũng chính là thực thi giáo huấn của Chúa Giê-su trong Tin Mừng.

Trong cuộc sống hôm nay, biết bao người đang khao khát đón nhận Lời Chúa làm lẽ sống và lương thực thiêng liêng. Nhân loại thời nào cũng giống như đàn chiên không có người chăn, cần có người hướng dẫn và giúp họ khỏi lạc đường. Lời Chúa hôm nay cũng dặn dò các mục tử trong Giáo Hội, là những người lãnh trách nhiệm hướng dẫn các cộng đoàn đức tin. Mối quan tâm hàng đầu của các mục tử phải là tận tâm phục vụ cộng đoàn được trao phó, làm cho đời sống đức tin được nẩy nở và phát triển. Chúng ta cầu nguyện cho các mục tử trong Giáo Hội và những người có trách nhiệm trong hệ thống lãnh đạo dân sự, để mọi người đều biết lo lắng cho công ích chung. Khi chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa, mỗi tín hữu chúng ta cũng đang cộng tác với sứ mạng của các mục tử, góp phần quản trị Giáo Hội địa phương và làm cho tình liên đới được triển nở nơi mọi người.

“Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: hoàn toàn hiến dâng, hoàn toàn tương quan, hoàn toàn yêu thương” (Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận ĐHV 606).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: CHẠNH LÒNG THƯƠNG 

Tuần trước chúng ta đã tìm hiểu về hành trang và hiệu quả của việc tông đồ. 

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rất rõ hiệu quả công việc của tông đồ: dân chúng đã tấp nập kéo theo các tông đồ để được gặp gỡ Đức Giêsu. 

Kết quả thật mỹ mãn, các tông đồ đang cảm thấy rất vui và tự hào về hiệu quả những công việc mình làm. Nhưng Đức Giêu lại bảo các ông lui vào chỗ thanh vắng mà nghỉ ngơi. Cũng như sau khi Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, người ta vui mừng hân hoan đang muôn tôn Chúa làm vua, có lẽ các tông đồ đang vui sướng và hy vọng, nhưng Chúa lại bắt các tông đồ xuống thuyền sang bờ bên kia còn Người thì giải tán đáng đông (Mc 6,45). 

Tại sao vậy? 

Phải chăng vì Chúa thấy có nguy cơ các tông đồ hiểu sai nguyên nhân và hiệu quả của việc tông đồ, sợ các ông cho rằng hiệu quả đó là do tài năng của các ông và các ông sẽ quay ra hưởng thụ hiệu quả nghĩa là khai thác đám đông vì lợi ích vật chất cũng như để cho mình được vinh dự và vinh quang (Điều này vẫn luôn là lối hành xử của nhưng kẻ chăn thuê). Vì thế Chúa bảo các ông lui vào nơi thanh vắng để nghi ngơi bồ bổ sức khỏe thể xác và tinh thần nhờ gặp gỡ và tôn vinh Cha ”trong Thần Khí và Sự Thật”, như thế các tông đồ được dìm sâu trong đại dương lòng thương xót của Thiên Chúa, để thực sự được bồi bổ tăng thêm nhiệt thành và nghị lực  tông. 

Còn Chúa thì sao? 

Sau khi cùng với các tông đồ lên thuyền đến nơi thanh vắng – đến nơi, Chúa lại thấy người ta chạy bộ đến trước và đang “chờ đợi Chúa” ở đấy rồi: CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG. Marcô đã đi vòng lòng Chúa mà nhận xét rằng: “Chúa chạnh lòng thương vì họ như bầy chiên không người chăn dắt và Người dạy dỗ họ nhiều điều”. 

Tuần sau chúng ta sẽ tìm hiểu Chúa dạy dỗ dân chúng như thế nào, giờ đây chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về việc ”chạnh lòng thương” của Chúa. Từ đời đời và cho đến muôn đời Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương con người đang bị quỷ dữ nhấn chìm trong mê lầm tội lỗi. Vì Thiên Chúa biết rất rõ Ngài yêu thương con người như thế nào, cũng vậy Ngài thấy rõ khi con người tin yêu và phó thác nơi Ngài sẽ hạnh phúc ra sao. Ngài càng thấy rõ hơn vì nghe ma quỷ cám dỗ nên con người đang chìm đắm trong mê lầm, và khốn khổ trong hậu quả của tội lỗi ra sao. Chúa Giêsu lại là “khuôn mặt của lòng thương xót của Chúa Cha” – như Đức thánh Cha Phanxicô đã khẳng định ngay ở khởi đầu tông thư ấn định Năm Thánh ngoại thường về Lòng thương xót Chúa. Vì thế Chúa Giêsu không thể không chạnh lòng thương trước đám đông những người đang khao khát gặp gỡ  LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA. 

Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, và chúng ta có thể nói bản chất tình yêu của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi là lòng thương xót. Trong tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, Thiên Chúa là tình yêu trao hiến và đón nhận trọn vẹn, nên Ba Ngôi Thiên Chúa hạnh phúc viên mãn trong tình yêu. Thiên Chúa luôn muốn trao ban hạnh phúc viên mãn ấy cho con người, nhưng tội lỗi đã phá hỏng mối tương quan nghĩa thiết giữa Thiên Chúa và con người, tội lỗi đã chặn đứng tình yêu của Thiên Chúa với con người. Vì vậy nên tình yêu của Thiên Chúa đối với con người đã trở nên ĐẠI DƯƠNG LÒNG THƯƠNG XÓT. Vì vậy con người cần phải mở lòng ra cho lòng thương xót Chúa và con người được đắm mình trong lòng thương xót Chúa như thuyền trong đại dương. Khi đó con người có thể thốt lên như Xuân Quỳnh rằng: “Chỉ có thuyền mới hiểu biển mênh mông dường nào và chỉ có biển mới hiểu thuyền đi đâu về đâu”. 

Cũng như tình yêu của người mẹ đối với người con trai duy nhất của bà (ở Hải phòng, cách đây 10 năm) bị rơi vào nghiện hút. Trong một cơn nghiện nó đòi bà đưa tiền để mua ma túy, nhưng trong túi của bà chẳng còn đồng nào để đưa cho nó nữa, thế là nó đã đâm nát thân thể bà bằng con dao và cơn nghiện. Vậy mà ngay khi đỡ đau và có thể đi lại được, việc đầu tiên bà xin là cho phép bà vào trại cải tạo để thăm con trai của bà. Vâng toàn bộ tình yêu của người mẹ đã trở thành lòng thương xót đối với đứa con nghiện hút và phải vào trại giam vì đã đâm nát thân thể bà – người mẹ đã hết mực yêu thương nó. Lòng thương xót của bà đã trở nên sức mạnh giúp con trai bà cai nghiên thành công và trở nên người con hiếu thảo với mẹ và một con người biết yêu thương những người khốn khổ.  

Ở đầu số 3 của Tông thư Đức Thánh Cha viết :“Lúc này, lúc khác chúng ta được mời gọi để dán mắt nhìn chăm chú hơn lòng thương xót Chúa để chúng ta có thể trở thành một dấu chỉ thuyết phục hơn cho tác động của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta.”

Tình thương xót xa của người mẹ đã trở nên sức mạnh đổi đời cho người con trai của bà. Vậy thì Đại dương lòng thương xót của Chúa có trở nên điều gì đó nơi chúng ta hay không, tùy thuộc chúng ta đã và đang mở lòng ra, đã chiêm ngắm và đắm mình trong đó qua mối tương quan của chúng ta với những anh chị em đói nghèo và quằn quại trong khổ đau như thế nào. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW