Bài giảng Chúa nhật 15 Thường niên B

10-07-2015 Chức năng bình luận bị tắt ở Bài giảng Chúa nhật 15 Thường niên B by

Mỗi tín hữu chúng ta đều được Chúa sai vào lòng cuộc đời để làm chứng cho Ngài. Tuy vậy, hoa trái của việc tông đồ không đến từ tài ba cá nhân của chúng ta, mà là từ Chúa. Qua việc kêu gọi những người dân chài trở thành môn đệ, Chúa cũng cho chúng ta thấy, chính Ngài làm nên những hiệu quả của sứ mạng tông đồ.

BÀI 2: GIÁO HỘI CỦA NGƯỜI NGHÈO 

Một điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn cũng như thực hành của Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô là quan tâm đến người nghèo. Khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã nhận tước hiệu Phanxicô là một vị thánh nghèo. Qua việc quan tâm đến người nghèo, người kế vị Thánh Phêrô muốn đưa Giáo Hội về với sứ mạng cốt lõi của mình là “Giáo Hội của người nghèo”. Noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta, Giáo Hội được mời gọi sống nghèo và dấn thân phục vụ người nghèo.
 
Thánh Mác-cô thuật lại, khi sai các môn đệ ra đi rao giảng Nước Trời, Chúa Giêsu đưa ra những yêu sách lạ lùng khác thường: các ông ra đi như những người nghèo đúng nghĩa, không sở hữu bất cứ thứ gì, chỉ trừ cây gậy và đôi dép. Khi truyền cho các môn đệ như vậy, Chúa Giêsu muốn khẳng đinh với các ông, hành trang các ông mang theo trên đường truyền giáo là trái tim và lòng phó thác. Bởi lẽ tuy các ông là người trực tiếp loan báo Tin Mừng, nhưng Chúa mới là Đấng mang lại những hiệu quả của công cuộc truyền giáo, các ông chỉ là dụng cụ Chúa dùng mà thôi. Kết quả của truyền giáo không đến từ vàng bạc vật chất và quyền hành thế gian, nhưng từ sự đơn sơ và tâm hồn phó thác của người tông đồ.
 
Chúa Giêsu là một người nghèo. Các tác giả Tin Mừng đều khẳng định với chúng ta điều đó. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”(Mt 8,20), Chúa Giêsu đã nói về mình như thế. Con Thiên Chúa cao sang đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta. Người đã từ bỏ mọi sự để nêu gương sáng cho chúng ta về sự khó nghèo và khiêm nhường. Thập giá là bằng chứng rõ ràng về điều đó. Người mời gọi những ai muốn làm môn đệ Người cũng phải có tinh thần khó nghèo như người. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã mở đầu bằng lời chúc phúc cho những ai khó nghèo, vì Nước Trời là của họ (x. Mt 5,2).
 
Lịch sử Giáo Hội ghi lại những gương sáng đạo đức tới mức anh hùng của nhiều vị thánh nghèo như thánh Phanxicô khó khăn, Thánh Đaminh, Thánh Antôn, Thánh Gioan Maria Vianey, Chân phước Têrêsa Calcuta, Chân phước Charles de Foucauld… Sự nghèo khó đơn sơ của các ngài đã đánh động tâm hồn nhiều người và giúp họ trở về với Chúa.
 
Sau khi Đức Giêsu phục sinh, từ một nhóm môn đệ nghèo quê ở Galilêa, Tin Mừng đã được loan truyền đi khắp thế giới, Giáo Hội càng ngày càng phát triển đến mọi nền văn hóa. Sự trường tồn và phát triển của Giáo Hội đã chứng tỏ cho thấy, hiệu quả của công cuộc truyền giáo không lệ thuộc vào tiền tài vật chất hay quyền lực thế gian, nhưng đó là tác động của Chúa Thánh Thần.
 
Mỗi tín hữu chúng ta đều được Chúa sai vào lòng cuộc đời để làm chứng cho Ngài. Tuy vậy, hoa trái của việc tông đồ không đến từ tài ba cá nhân của chúng ta, mà là từ Chúa. Qua việc kêu gọi những người dân chài trở thành môn đệ, Chúa cũng cho chúng ta thấy, chính Ngài làm nên những hiệu quả của sứ mạng tông đồ. Ngôn sứ Amos là một bằng chứng: ông phân trần, ông không thuộc dòng giống ngôn sứ. Ông chỉ là người chăn chiên. Chúa đã gọi ông khi ông đang đi sau đoàn chiên và trao cho ông sứ mạng tiên tri. Ông truyền đạt cho dân những gì Chúa dạy. Ông chỉ như dụng cụ Chúa dùng, và ông chỉ biết làm hết khả năng của mình.
 
Quan tâm đến người nghèo là một trong những nhiệm vụ chính của Giáo Hội. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi: “Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội” (số 187). Người Cha chung của Giáo Hội cũng quả quyết: “Trong trái tim của Thiên Chúa có môt chỗ đặc biệt cho người nghèo, vì chính Thiên Chúa “đã trở nên nghèo khó” (2 Cr 8:9) (số 197).
 
Cũng cần phải phân định rõ, khái niệm nghèo của Tin Mừng trước hết là sự tự do đối với của cải vật chất. Con người luôn làm chủ của tiền bạc chứ không làm nô lệ cho tiền bạc. Tiền bạc chỉ là phương tiện chứ không phải là một mục đích. Hơn nữa, các môn đệ của Chúa Kitô được mời gọi sống nghèo mà không hèn. Nhờ sự nghèo khó này, chúng ta luôn thanh thoát, tự do và hoàn toàn thuộc về Chúa và sống theo thánh ý của Ngài.
 
Nếu sự ham muốn của cải thế gian lấp đầy con tim tôi thì thử hỏi đâu còn chỗ dành cho Thiên Chúa? (Paula Hoesi).
 
Không ai giàu đến độ không có gì cần phải nhận. Không ai nghèo đến mức không có cái gì để cho (Helder Camara).

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

BÀI 2: LOAN BÁO TIN MỪNG:  HOÁN CẢI – TRỪ QUỶ- CHỮA LÀNH 

Người ta kể rằng: có một đệ tử muốn từ bỏ mọi sự của thế gian để sống tu trì. Anh quyết định vào rừng vắng sống ẩn tu. Hành trang duy nhất anh mang là chiếc áo ăn mày để khất thực sống qua ngày. Ngày kia, anh đau đớn vô cùng khi thấy chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn nát tả tơi. Không còn cách nào khác, anh phải vào trong làng xin một chiếc áo khác. Chiếc áo thứ hai này cũng bị cùng chung số phận, nát tả tơi vì chuột cắn. Anh nghĩ rằng chỉ có nuôi mèo mới giữ được chiếc áo. Anh quyết định nuôi mèo. Thế nhưng, khi có mèo anh lại phải lo kiếm thêm phần ăn cho con mèo được nuôi để đuổi chuột.
 
Ngày ngày vác bị đi khất thực, anh cảm thấy mình như một gánh nặng đối với dân làng. Nghĩ thế, anh cố gắng chắt chiu để kiếm tiền nuôi một con bò để thêm phần thu nhập. Nhưng có bò lại phải kiếm cỏ cho bò ăn.Chăn nuôi gia súc khiến anh không thể có thời giờ cầu nguyện, tối mặt vì công việc, anh lại phải thuê người cắt cỏ nuôi bò.Càng ngày bò càng sinh sản, người cắt cỏ cũng phải gia tăng.Thời gian trôi qua, mảnh đất hoang sơ đã biến thành một trang trại rộng lớn.Gia súc và người làm ngày càng thêm đông. Con người đã một thời muốn từ bỏ mọi sự để trở thành một tu sĩ, nay nghiễm nhiên trở thành một ông chủ trang trại.
 
Có tiền của và tài sản to lớn, anh lại muốn có người chia sẻ công việc của mình.Anh cưới vợ và sinh con.Anh trở thành một người chồng, người cha trong một gia đình hạnh phúc. Thế là lý tưởng ban đầu đã hết. Anh đã đánh mất lý tưởng chỉ vì mải lo gìn giữ một cái áo rách.Chuyện có vẻ hoang đường nhưng lại là thật.Ma qủy thường cám dỗ từng bước. Ma qủy thường gợi lên những điều rất hấp dẫn để dẵn dắt con người đi theo chương trình của nó. Adam – Evà đã nhìn thấy trái táo thơm ngon mà quên đi thân phận phải vâng lời Thiên Chúa. Khi tỉnh lại chỉ còn thất vọng và hổ thẹn lương tâm.Người tu sĩ đã lạc bước khi quá bận tâm đến nhu cầu vật chất, đến đồng tiền bát gạo, khiến tâm hồn anh không còn thời giờ để vun đắp, định hướng cho hướng đi của mình.Cái thất bại của anh thật tẻ nhạt, chỉ vì mải lo gìn giữ một chiếc áo rách.
 
Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu tại sao khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin mừng, Chúa chỉ cho các ông mang theo những thứ không thể không có:  mình mặc một áo, chân đi dép và tay chống gậy – hình ảnh của người luôn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào và đến bất cứ nơi đâu, đồng thời đặt trọn niềm tin và hy vọng vào một mình Thiên Chúa mà thôi..
 
Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.

Chúa Giêsu đã khởi đi từ kinh nghiệm Ngài có được khi Chúa Cha sai Ngài đến trần gian để loan báo tin mừng, điều này đã được thánh Phao lô diễn ta cách tuyệt vời nơi thư gửi tín hữu Philipphe 2,6-11. Hành trang của Ngài là hủy mình ra không để hoàn toàn phó thác và phụ thuộc vào Cha. Vì thế Tin mừng mà ngài rao giảng là: " Hãy sám hối và tin vào Tin mừng", rồi Ngài trừ quỷ và chữa lành. Ba điều này đi liền với nhau để cứu độ được con người . Vì sám hối ở đây là sám hối tận căn – mà căn nguyên của tội lỗi là từ ma quỷ (Con người được Thiên Chúa sáng tạo quá đỗi tốt lành, con người phạm tội là do ma quỷ cám dỗ đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa). Vì vậy trước hết con người phải sám hối – nhận biết mình sai lầm, để trở về với bản chất của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là Thiên Chúa mới là nguồn mạch và cùng đích của mình, chứ không phải bản thân mình, càng không phải nơi đâu khác. Mọi sai lầm đều do ma quỷ mà ra, vì thế cần phải trừ quỷ, để giải thoát con người khỏi mê lầm tội lỗi. Tiếp theo là chữa lành, để con người được hồi phục nhờ sức sống của Thiên Chúa và tự do đi trong đường lối của Ngài.
 
Chính vì thế, Sau khi đã ở với Đức Giêsu, chiêm ngưỡng cuộc đời Ngài, được ngài đào tạo và huấn luyện trong tinh thần của người con thảo với Thiên Chúa là Cha nhân hậu, các tông đồ được sai đi loan báo Tin mừngvới hành trang là quyền trừ quỷ với tấm lòng tin tưởng và phó thác vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Và hiệu quả của việc tông đồ là những con người thực sự tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu, phó thác cuộc đời cho Thiên Chúa bằng đời sống dấn thân làm cho trần gian thành phác thảo Nước Trời, cũng có nghĩa là  làm cho xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc thực sự trong tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Thục
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW