Cộng đoàn chứng nhân – Chúa nhật III Phục Sinh

02-05-2025 0 bình luận by

Sách Tông đồ Công vụ được gọi là “Tin  Mừng của Chúa Thánh Thần”. Nội dung của cuốn sách ghi lại những sinh hoạt và sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi đọc Sách Tông đồ Công vụ, chúng ta ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của cộng đoàn Kitô hữu. Một tôn giáo lúc ban đầu chỉ có một nhóm nhỏ, nhưng đã nhanh chóng phát triển. Sức sống đức tin mãnh liệt kỳ diệu, vì cộng đoàn này bị bách hại “ngay trong trứng nước”. Tôn giáo mới này được thiết lập do một vị thủ lãnh đã bị người ta chế nhạo và giết chết một cách nhục nhã là Đức Giêsu. Ấy thế mà các đồ đệ lại tự hào về vị thủ lãnh của mình, và sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để làm chứng về Người. Cùng với các tông đồ, thánh Phêrô quả quyết một điều: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Khi nói những điều này, các ông vững một niềm tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và thày thượng tế cũng chỉ là người phàm hạng thứ yếu. Cần lưu ý thượng tế trong xã hội Do Thái thời đó là vị lãnh đạo tối cao của người Do Thái. Ông có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề có liên quan đến truyền thống và lề luật của dân tộc. Đó là một đặc quyền đế quốc La-mã cho phép. Đương nhiên đối với trường hợp kết án tử hình, thì phải trình lên nhà cầm quyền La-mã. Như chúng ta thấy, trong trường hợp Chúa Giêsu, sau khi Thượng Hội đồng quyết định, người Do Thái đã dẫn Chúa Giêsu đến với Philatô theo luật định. Đối diện với một hệ thống chính trị và cầm quyền như thế, Phêrô tỏ ra rất can đảm. Ông tin những gì ông trình bày về Đức Giêsu là lệnh truyền đến từ Thiên Chúa, chứ không phải người phàm.

Trong cuộc đối chất nảy lửa này, một câu nói của vị thượng tế đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng của cộng đoàn Kitô hữu. Ông nói: “Các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông!”. Sự phát triển của cộng đoàn Kitô hữu quả thật đã làm cho những người cầm quyền đạo cũng như đời lo sợ. Người Do Thái nghĩ rằng giết ông Giêsu thì mọi chuyện sẽ ổn thỏa và không còn ai đi theo ông ấy nữa, nhưng thực tế đã ngược lại. Vị thượng tế vẫn còn ám ảnh về cái chết của Chúa Giêsu, nên ông nói với các tông đồ: “Các ông còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”. Trước những đe dọa này, Phêrô và các tông đồ vẫn thản nhiên. Không những thế, khi bị phạt đánh đòn, lòng các ông lại “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu”.

Không chỉ các tông đồ, mà những tín hữu tiên khởi đều là những chứng nhân về Đức Giêsu. Họ tin chắc chắn Người đã sống lại và đang hiện diện giữa cộng đoàn. Phêrô minh chứng trước Thượng Hội đồng và khẳng định: “Những gì xảy ra đối với Chúa Giêsu thành Na-gia-rét là phù hợp với những tiên báo của Cựu ước, và chính Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Chính niềm tin này đã thúc đẩy các Kitô hữu sống đạo đức, chuyên cần cầu nguyện và làm việc bác ái để chứng minh Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa hứa từ ngàn xưa.

Bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Phục sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ. Qua trình thuật này, tác giả Gioan muốn nói với chúng ta: Đấng Phục sinh vẫn đồng hành với những ai tin vào Người. Tuy không nhìn thấy Người bằng con mắt thể lý, nhưng người vẫn hiện diện thiêng liêng vô hình giữa chúng ta. Mẻ cá kỳ diệu đã chứng minh quyền năng của Đức Giêsu. Trong trình thuật này, Phêrô luôn là người đại diện cho các tông đồ. Từ việc ông rủ các anh em đi đánh cá, đến sự nhạy bén phát hiện ra người lạ mặt là Chúa Giêsu, và sau đó là việc Chúa Giêsu trao cho ông quyền lãnh đạo chăm sóc đàn chiên mà Người đã quy tụ. Lời chứng về Chúa Giêsu Phục sinh ở đây cũng là lời chứng của một tập thể, đó là các tông đồ. Vì thế, chứng từ của các ông luôn có tính thuyết phục. con số 153 con cá không phải là điều ngẫu nhiên, mà đó là tất cả các chủng loại cá dưới biển mà tri thức đương thời đã tổng hợp và ghi nhận. Từ hai mươi thế kỷ, Giáo Hội là đàn chiên của Chúa, luôn phát triển cho đến ngày hôm nay. Mặc dù đây có có những vấp phạm và gương mù gương xấu, nhưng đàn chiên mà Chúa Giêsu trao phó cho Phêrô vẫn đang hướng về Quê Trời, bất chấp mọi phong ba bão tố của thời cuộc.

Mẻ cá lạ bên bờ hồ Tibêria năm xưa khẳng định Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ, và cái chết của Người, thay vì được nhìn như một thất bại nặng nề, lại như một chiến thắng vinh quang. Lời tung hô của các thiên thần trên trời đã chứng minh điều đó: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Bài đọc II). Quả thật, Thiên Chúa đã trao mọi quyền năng trên trời dưới đất cho Con của Ngài là Đức Giêsu, vì Đức Giêsu đã hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.

Nhờ Bí tích Thanh tẩy, Kitô hữu được tháp nhập vào thân thể huyền nhiệm Đức Giêsu, tức là Giáo Hội. Ở mọi nơi mọi thời và mọi nền văn hóa, cộng đoàn những người tin vào Chúa Giêsu luôn phải là chứng nhân cho Người. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ….” (x. Mt 28,16-20), Đó là sứ mạng Đấng Phục sinh trao phó cho chúng ta.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW