Dạy giới tính cho thiếu nhi xứ đạo
Làm sao để bảo vệ trẻ em trước những vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) là mối quan tâm không chỉ riêng các bậc phụ huynh mà còn của cộng đoàn các họ đạo.
Trong bài viết “Chuyện không nhỏ chút nào!” (Trang Gia đình CGvDT số 2124), tác giả Vĩnh Lộc đã giới thiệu một vài cuốn sách giúp phụ huynh trang bị cho con những kiến thức để tự bảo vệ mình trước vấn nạn XHTD. Song, dường như bấy nhiêu vẫn chưa đủ bởi việc giáo dục giới tính là cả một quá trình, và đôi khi trong một số trường hợp, lại cần có những lưu ý riêng…
Thiếu nhi giáo xứ Kẻ Sặt trong buổi tìm hiểu về giới tính trẻ em do Ths – Bs. Lan Hải thuyết trình (ảnh giáo xứ cung cấp)
Khi xã hội đang “nóng” lên với các diễn đàn, tọa đàm về các biện pháp ngăn chặn việc XHTD trẻ em thì ở các xứ đạo, những vị có trách nhiệm cũng ưu tư về cách thức dạy giới tính cho thiếu nhi để mang lại hiệu quả tốt nhất. Chị Trần Hoàng Vân Anh (Gx Thủ Ðức, TGP.TPHCM) bày tỏ : “Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc dạy giáo lý thì nên có các buổi dạy về giới tính cho trẻ em ở các giáo xứ. Bởi với ưu thế trong việc đào tạo nhân bản thì đây là việc hoàn toàn có thể thực hiện”. Tương tự, anh Hoàng Trọng Khang (Gx Xóm Thuốc, TGP.TPHCM) cũng đánh giá cao việc lồng ghép giáo dục giới tính vào chương trình dạy giáo lý. Anh tin rằng với kinh nghiệm và khả năng thuyết giảng của các chuyên gia cùng sự quan tâm, phối hợp của vị chủ chăn sẽ xây dựng được khung nội dung phù hợp cho các em nhỏ theo từng lứa tuổi. Từ đó, giúp trẻ hiểu đúng, đủ những kiến thức được truyền đạt và ứng xử phù hợp trong thực tế.
Là người quan tâm đến vấn đề này, linh mục Martinô Nguyễn Ðình Hoàng – phó giáo xứ Kẻ Sặt (GP Xuân Lộc) nhận định: “Thiếu nhi còn thiếu sự hiểu biết về vấn đề giới tính hay các kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Ðồng thời, các em cũng chưa được cởi mở để tâm sự với cha mẹ những vướng mắc gặp phải nên dễ khiến kẻ xấu lạm dụng”. Hiểu tầm quan trọng của việc cung cấp cho trẻ những hành trang cần thiết nên giáo xứ Kẻ Sặt đã mời Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Lan Hải nói chuyện chuyên đề trong hai ngày 9 – 10.8.2017, với các đề tài“Nhận biết giới tính” (dành riêng cho trẻ từ 7 – 10 tuổi) và “Kỹ năng phục vụ bản thân và sống tương quan” (các em từ 11 – 15 tuổi). Khoảng 650 thiếu nhi và phụ huynh đã cùng tham dự chương trình. “Hoạt động này rất hữu ích cho các em và cả các phụ huynh. Tôi nghĩ nên có tiếp nhiều buổi nói chuyện tương tự để trẻ không còn thấy e ngại, thêm hiểu biết hơn và có cách tự bảo vệ mình”, anh Phạm Công Danh – giáo lý viên trong xứ chia sẻ. Giáo xứ cũng dự định sắp tới sẽ mở thêm những khóa kỹ năng mềm cho thiếu nhi, giúp các em biết cách ứng xử trong cuộc sống.
Có thể nói, đây là một trong những xứ đạo đi đầu trong việc tổ chức giáo dục giới tính trực tiếp cho trẻ em. Tiếc rằng mức độ phổ biến của các hoạt động như vậy vẫn chưa được rộng rãi vì nhiều người vẫn còn e ngại sẽ khó đạt được hiệu quả tốt mà chỉ “vẽ đường cho hươu chạy”. Có lẽ vì thế mà các buổi học về giới tính ở xứ đạo thường chỉ dành cho người trưởng thành đang theo học các khóa giáo lý hôn nhân hoặc các phụ huynh. Trong khi đó, việc phải làm sao cho trẻ hiểu được những yếu tố liên quan đến tâm sinh lý lứa tuổi để hiểu, làm chủ cảm xúc và phát triển hoàn thiện dù rất quan trọng, song lại ít được nói đến hay chỉ nói cách chung chung, sơ sài. Vì vậy, theo Ths. – Bs Lan Hải, việc đề cập, định hướng kiến thức về giới tính luôn là điều cần rất nhiều sự lưu tâm từ phía gia đình, nhà trường và cả giáo xứ nữa. Tuy nhiên, cũng phải chú trọng đến phương thức truyền đạt khi trao đổi với trẻ để không gây tác dụng ngược.
TRÚC YÊN
Nguồn: cgvdt.vn