Bài giảng Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu
BÀI 1: YÊU THƯƠNG VÀ TỰ HIẾN
Giáo huấn của Giáo Hội công giáo dạy chúng ta, trong Bí tích Thánh Thể, có sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Hiện diện thực sự, có nghĩa đây không phải là một dấu chỉ tượng trưng; hiện diện trọn vẹn, có nghĩa là trong Hình Bánh và Hình Rượu, có thần tính và nhân tính, có hồn và xác của Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Vì thế, Thánh Thể không phải là một biểu tượng. Khi tôn thờ Thánh Thể, chúng ta tôn thờ chính Chúa Giêsu. Người đang hiện diện, đang ngắm nhìn và đang lắng nghe chúng ta. Sự hiện diện này là bằng chứng của tình yêu thương, một tình yêu thương cao cả đến nỗi tự hiến chính bản thân mình.
Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là điều khẳng định chắc chắn của Mạc Khải. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến điều này. Khi yêu mến ai, người ta sẵn sàng hiến thân vì người đó, giống như người mẹ sẵn sàng nhảy vào lửa để cứu con, chấp nhận những nguy hiểm đến tính mạng. Qua mầu nhiệm thập giá, Thiên Chúa hiến thân cho con người, vì yêu thương con người và vì hạnh phúc của con người. Thiên Chúa chấp nhận đau khổ cho con người hạnh phúc, chấp nhận chết cho con người được sống. Nơi Thánh Thể, tình yêu thương vô bờ của Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện. Nếu qua mầu nhiệm nhập thể, Đức Giêsu Kitô đã “tự hủy thành hư không”, thì nơi Bí tích này, Người vẫn tiếp tục khiêm tốn tự hủy. Về phương diện vật chất bề ngoài, Bánh Thánh Thể hoàn toàn giống một tấm bánh thông thường, nhưng về phương diện Đức tin, tấm Bánh này chất chứa sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Tối Cao. “Ta hãy lấy Đức tin bù lại, nếu giác quan không cảm thấy gì” (Bài hát Thánh Thể). Sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể chỉ có thể cảm nghiệm bằng Đức tin và tình yêu mến. Trong lịch sử, đã có rất nhiều phép lạ Thánh Thể để chứng minh sự hiện diện này. Sự hiện diện của Chúa Giêsu còn được cảm nhận trong sự thinh lặng và cung kính tôn thờ. Chính trong thinh lặng, Chúa Giêsu ngỏ lời với chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong cuộc đời.
Trong quan niệm của truyền thống Do Thái cũng như nhiều nền văn hóa, máu tượng trưng cho sự sống. Khi dâng hiến máu của các loài động vật lên các thần linh, người ta muốn thể hiện lòng trung thành của mình. Vì thế, máu được dùng để ký kết các giao ước, với cam kết tuân giữ những điều đã thỏa thuận. Tác giả thư Do Thái đã so sánh máu dê máu bò trong Cựu ước với máu Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá. Thiên Chúa quyền năng đã dùng máu Đức Kitô mà rửa sạch lương tâm chúng ta, phục hồi tình trạng thánh thiện nguyên thủy của chúng ta từ thời tạo dựng. Như vậy, Thánh Thể chính là sự tiếp nối hy lễ của Chúa Giêsu trên thập giá để cứu chuộc và thanh tẩy con người mọi thời đại. Các nghi lễ của Cựu ước nay đã hết thời, vì chỉ là hình bóng của Thánh Thể. Nơi Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục hiến dâng chính mình cho Đức Chúa Cha để đem lại ơn cứu độ cho con người.
“Hãy nhận lấy mà ăn, hãy nhận lấy mà uống”. Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến bàn tiệc Thánh Thể để được nuôi dưỡng và được thêm sức mạnh thiêng liêng trong hành trình cuộc đời. Cũng như ngôn sứ Elia xưa, trên đường chạy trốn trước cuộc truy đuổi của hoàng hậu Jêraben, đã được thiên sứ cung cấp bánh và nước mỗi ngày, chúng ta cũng đang được nuôi dưỡng bằng bàn tiệc Thánh Thể để đủ sức mạnh thiêng liêng trong cuộc sống đầy gian nan vất vả này. Nơi các cộng đoàn tín hữu hiện nay, nhiều người quá chú trọng đến những sinh hoạt bề ngoài ồn ào, mà coi nhẹ những giây phút thinh lặng tôn thờ Thánh Thể. Có lẽ vì thế mà chúng ta thiếu chiều kích nội tâm, không được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, và hậu quả là những chia rẽ tranh chấp triền miên nơi các cộng đoàn.
Được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể, mỗi người tín hữu được mời gọi noi gương Chúa Giêsu hiến thân phục vụ anh chị em. Một cộng đoàn tín hữu được gọi là “Cộng đoàn Thánh Thể”, khi mọi thành viên liên kết với nhau trong tình mến. Bởi lẽ họ cùng có một Đức tin, cùng chia sẻ một lương thực thiêng liêng là Bí tích Thánh Thể. Thánh Thể mãi mãi là bài học dạy ta sự khiêm nhường. Như Chúa Giêsu đã khiêm hạ hiện diện nơi một tấm bánh, chúng ta hãy tập sống vì mọi người, để phục vụ và đem niềm vui cho những người cùng chung sống xung quanh mình.
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
BÀI 2: MÁU GIAO ƯỚC
Xh 24,3-8; Dt 9,3-8; Mc 14,12-16.22-26
Ngay từ thời các tông đồ, Hội Thánh vẫn cử hành Bí tích Thánh Thể, còn gọi là bữa ăn của Chúa. Truyền thống Hội Thánh luôn tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Nói cách khác, chúng ta tin sau khi đã truyền phép, bánh trở nên Mình Chúa và rượu trở nên máu Chúa. Bí tích Thánh Thể chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của Hội Thánh nói chung và đời sống thiêng liêng của mỗi tín hữu nói riêng. Thế nhưng, trong lịch sử đã có lúc người ta chủ trương Chúa Giêsu không hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, hoặc nếu có thì chỉ hiện diện trong Thánh lễ mà thôi. Hội Thánh thiết lập lễ này, một mặt để tuyên xưng Đức Tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể trong thời gian cử hành Thánh Lễ và Người còn hiện diện cách đích thực khi Thánh lễ đã kết thúc. Đó là lý do có các cuộc rước Thánh Thể rất long trọng sau Thánh lễ. Mặt khác, Hội Thánh muốn tiếp tục suy niệm để sống mầu nhiệm Thánh Thể một cách hữu hiệu hơn. Các bài Kinh Thánh trích đọc hôm nay hướng chúng ta suy tư Bí tích Thánh Thể là Giao Ước Mới.
Nếu nói Thánh Thể là Giao Ước Mới thì hẳn đã phải có một Giao Ước Cũ. Đó là nội dung mà bài sách Xuất Hành hôm nay muốn trình bày. Nếu máu của con chiên vượt qua đã làm cho người Do thái được cứu sống, thoát cảnh nô lệ tủi nhục bên Ai cập và trở về Đất Hứa, thì máu bò được sát tế làm hy lễ kỳ an rẩy trên bàn thờ và dân chúng, đã thiết lập một Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân vừa được giải phóng. Giao Ước này làm cho họ trở thành một dân thực sự, không những thế, họ còn là dân được tuyển chọn, là DÂN RIÊNG. Họ cam kết: Mọi lời Đức Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành. Chúng ta biết điểm then chốt của Giao Ước Sinai mà Israen phải tuân giữ là họ chỉ thờ phượng một mình Giavê mà thôi. Đó là điều răn thứ nhất và cũng quan trọng nhất. Đây là Giao Ước chính thức được ký kết trong một nghi thức long trọng. Đây là Giao Ước được ký kết bằng máu. Giao Ước Sinai là trung tâm điểm của đời sống dân được tuyển chọn.
Các nhà chuyên môn còn tiếp tục tranh luận xem liệu bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ có phải là bữa ăn Vượt Qua không? Theo thánh sử Maccô thì dường như câu trả lời là có, vì “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” Đó là lời các môn đệ thưa với Chúa. Còn đây là lời từ miệng Chúa: “Thầy nhắn: Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?” Theo thánh Maccô thì Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong lúc thầy trò ăn lễ Vượt Qua, lễ trọng nhất trong năm của người Do thái. Trong bữa ăn đầy tình yêu thương ấy, Chúa cầm bánh trao cho các môn đệ và nói: Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy. Cũng thế khi trao chén rượu, Người nói: Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Chúa nói đến máu Giao Ước. Đây là Giao Ước mới ký kết bằng máu Chúa để thay thế cho Giao Ước cũ ở Sinai ngày nào. Đây còn là Giao Ước vĩnh cửu không bao giờ thay đổi và bị thay thế, vì: “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.” Máu đây cũng là máu của Chúa Giêsu là Con Chiên Vượt Qua mới, xóa bỏ tội lỗi trần gian và dẫn đưa nhân loại về quê thật là Nước Trời.
Tác giả thư gửi tín hữu Do thái còn đưa ra một so sánh thú vị: Nếu máu các con dê, con bò… đem rẩy trên mình những kẻ nhiễm uế, còn thánh hóa được họ… thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy… Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Và ngài kết luận: Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới… đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta hãy để cho Máu Thánh Chúa thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi và mọi bất xứng. Đồng thời chúng ta luôn tâm niệm Chúa đã thương ký kết Giao Ước Tình Yêu với Hội Thánh cũng như mỗi người để chúng ta được lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu trong tương lai. Nếu dân Israen ngày xưa đã cam kết: mọi lời Đức Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành, thì hôm nay đây, mỗi người chúng ta cũng thưa với Chúa: Tin Mừng cứu độ là nội dung của Giao Ước Mới, chúng con sẽ thi hành mọi lời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông
Nguồn: gphaiphong.org