Thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc

19-03-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Thánh lễ an táng Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc by

Từ đêm canh thức tối 16/3 cho đến Thánh Lễ An Táng sang 17/3, bên cạnh Linh Cữu của Đức TGM Phaolô lúc nào cũng có giáo dân, tu sĩ bên cạnh và cầu nguyện cho Ngài. Vì thế, từ sáng sớm, khuôn viên Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã gần kín người. 

Dù 8g00 mới bắt đầu Thánh Lễ An Táng, nhưng lúc 7g00, tại sân Trung Tâm, trước Lễ Đài và trước Linh Cữu Đức Tổng Phaolô, đã không còn chỗ. Với hơn 12.000 người tham dự Thánh Lễ, các khoảng không gian xung quanh Trung Tâm Mục Vụ như các tầng lầu của Nhà Truyền Thống Đại Chủng Viện… được mọi người tận dụng để có thể đứng tham dự Thánh Lễ. Trong số 12.000 người có mặt trong Thánh Lễ An Táng đó, không chỉ là quý Đức Hồng Y, Quý Đức Giám Mục, Linh Mục, tu sĩ, giáo dân của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, nhưng còn là sự hiện diện rất quý báu và đông đảo của Quý Đức Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, quý Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ, Giáo dân của nhiều Giáo phận tại Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có cả những vị đại diện của các cấp chính quyền, và những vị thuộc các tôn giáo bạn. Điều này cho thấy tâm tình quý mến của mọi người dành cho Đức Cố TGM Phaolô, trong niềm tiếc thương nhưng cũng là niềm vui vì Đức Cố TGM đã gặp được chính Thiên Chúa như chính khẩu hiệu Ngài đã chọn “Chúa là niềm vui của con” (Tv 42,2)

8g00: Thánh Lễ bắt đầu bằng việc rước đoàn Đồng Tế. Do quá đông quý Linh Mục, nên cuộc rước Đoàn Đồng Tế chỉ gồm quý Đức Cha, quý Cha Cố Vấn, Hạt Trưởng và một số cha đã được mời đích danh.Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, tất cả quý Đức Cha trong Hội Đồng Giám Mục đã đứng xung quanh Linh Cữu Đức TGM Phaolo để chia buồn với Đại Gia Đình Tổng Giáo phận Sài Gòn và niệm hương tưởng nhớ Đức Cố TGM. Trong vai trò là Chủ Tịch HĐGMVN,  Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, đã thay mặt quý Đức Cha và mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam chính thức gửi lời chia buồn đến với Gia đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Ngài nói “Đức Cố Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc không còn nữa. Đây là một mất mát lớn lao cho tất cả chúng ta. Dân tộc Việt Nam mất đi một người công dân gương mẫu. Giáo Hội Việt Nam mất đi một người con mạnh dạn, ưu tú, và cách đặc biệt, Tổng Giáo Phận Sài Gòn vừa mất đi một vị Chủ Chăn nhiệt tình …tang quyến mất đi một người thân yêu dấu. Thay lời cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đang hiện diện xung quanh Linh Cữu Đức Cố TGM, tôi chính thức nói lời chia buồn đối với Đại Gia Đình Tổng Giáo Phận Sài Gòn…”

Sau đó, Cha Fx Lê Văn Nhạc, chủ tịch Hội Đồng Linh Mục của TGP Sài Gòn, đọc tiểu sử Đức Cố TGM Phaolo Bùi Văn Đọc. Tiếp đến, Cha Phêrô Kiều Công Tùng, Chưởng Ấn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn đọc điện thư chia buồn của Đức Thánh Cha Phanxicô, và cha Giuse Bùi Công Trác, Giám đốc ĐCV Sài Gòn đã trích đọc điện thư chia buồn của ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong đó, ngài có nói đến ân huệ lớn lao mà Đức Cố TGM Phaolô đã được ân thưởng “Đối với một Giám Mục được chết tại Roma, nơi có mộ hai vị Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là một ân huệ lớn lao..”; điện thư chia buồn của Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc. Dù không đọc hết các điện thư, nhưng Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng đã nhận được rất nhiều điện thư hiệp thông và chia sẻ của các HĐGM các nước khác…

Trong lời mời hiệp thông đầu lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, trong vai trò Chủ Tế Thánh lễ đã mời gọi người hãy tin tưởng về những gì Đức Cố TGM Phaolô đã làm, bởi những gì Ngài làm sẽ trở thành bảo chứng để Thiên Chúa đón nhận Ngài vào Thiên Quốc. Đồng thời, Đức Cha Giuse cũng mời gọi mọi người hãy tạ ơn Chúa vì Thiên Chúa đã sắp xếp cho TGP Sài Gòn có được sự ổn định sau sự qua đời của Đức Cố TGM Phaolo, bằng việc cất nhắc Đức Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hùng làm Giám Quản Tông Toà của TGP. Bên cạnh đó, Đức Cha Chủ Tế đã mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho Đức Cố TGM Phao lo vì sự “Nhân vô thập toàn” của Đức Cố TGM, để xin Thiên Chúa tẩy xoá những gì còn vương mắc trong hành trình dương thế của ngài, nhờ đó, Đức Kitô Phục Sinh sẽ chiếu sáng trên Đức Cố ở bên kia cuộc đời.

Chia sẻ suy niệm từ Lời Chúa, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội đã chia sẻ những ý tưởng sâu sắc đến cộng đoàn khởi đi từ ánh sáng Lời Chúa và những điểm nét còn đọng lại từ con người Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc. Có thể nói rằng, bài giảng của Đức Hồng Y quả thật sâu sắc và hợp thời điểm khi cộng đoàn nghe lời chia sẻ có cả những Anh Chị Em là những người lương dân, và những người còn “đứng ngoài”, chưa biết Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài.

Trong bài giảng, ĐHY giới thiệu về con người của Chúa Giêsu và phản ứng của Ngài khi đứng trước Thập giá, cái chết, sự khổ cực đang chờ sẵn. Đứng trước thử thách, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha, Ngài cầu nguyện cho những môn đệ, những người môn đệ yếu ớt của Ngài, và cho tất cả những ai vì nghe được lời rao giảng của các môn đệ và đi theo Ngài.

Điều đó cho thấy gì? Đứng trước đau khổ, cái chết,…Chúa Giêsu đã không nghĩ về mình, Ngài quên đi những đau khổ của bản thân để nghĩ về người khác, nghĩ và cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Vì thế, lời cầu nguyện của Chúa Giê su là lời cầu nguyện của một vị Thượng Tế, một linh mục với của lễ hy tế là chính Ngài, để lời cầu nguyện đó trở thành hiện thực cho chúng ta. Và đó là lời cầu nguyện của niềm tin, thay vì chỉ thấy phản bội và nước mắt, thì lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho thấy Ngài tin vào Chúa Cha, tin vào các môn đệ, tin vào các thế hệ được đào tạo cho dù họ đều có giới hạn. Chúa Giêsu vẫn tin vào 12 Tông đồ, dù đã thấy trước sự phản bội, yếu đuối của họ, và vì thế, Ngài vẫn sai các ông đi. Niềm tin đó Ngài đã dựa trên một nền tảng căn bản là Sự Hiệp Nhất. 

Sự Hiệp Nhất đó khởi đi từ sự Hiệp Nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con; sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, và sự hiệp nhất đó là nền tảng, được lan toả của Nước Trời.

Và vì thế, ĐHY nói rằng, vinh quang của sự hiệp nhất giữa Cha- Con và Thánh Thần đã làm cho các môn đệ được hiệp nhất với nhau. Và sự hiệp nhất này trong Giáo Hội phát xuất từ Cha và Con. đối với các môn đệ, không chỉ là một đặc ân, nhưng còn là một trách nhiệm phải thực hiện. 

Giáo Hội hiệp nhất không theo cách thức của người đời, nhưng là sự hiệp nhất giữa Cha- và Con, Cha và Con trong Thánh Thần. Hiệp nhất làm cho lời rao giảng của Giáo Hội trở nên đáng tin cậy, đến độ người ta tin rằng Giáo Hội này là của Thiên Chúa. Và từ đó, Giáo Hội đón nhận sự hiệp nhất này từ Thiên Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. 

Do đó, dù đã qua hơn 2000 năm, mặc cho những yếu đuối mang tính nhân loại, Giáo Hội vẫn đứng vứng, vẫn có thể trung thành là nhờ vào Giáo Hội biết cảnh tỉnh và nơi Vaticano II, Giáo Hội biết dừng lại để xét mình, sám hối và canh tân. Dựa vào Văn kiện Ecclesiam Suam – Giáo Hội của Chúa “ Vào giờ phút này của lịch sử thế giới, sự đối thoại là thái độ Giáo Hội cần phải có khi tiếp xúc với nhân loại…Hội Thánh sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Hội Thánh có một sứ mạng phải thực hiện và một sứ điệp phải loan truyền, Hội Thánh có sứ mệnh phải loan báo Tin Mừng, do sự uỷ thách của Chúa Kit ô cho các thánh Tông đồ. Đó là tiền đề dẫn đến sự đối thoại, Hội Thánh cần đối thoại với thế giới.” 

Phần hai trong bài giảng, dựa trên ý tưởng “sự đối thoại” vừa được trích dẫn trong Văn kiện, ĐHY Phêrô đã nhắc đến Đức Cố TGM Phaolo với dung mạo của người nuôi dưỡng sự đối thoại đó trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, điều ẩn chứa trong khẩu hiệu ngài đã chọn “Chúa là niềm vui của tôi” (Tv 42,2) để trong đời Đức Cố TGM, ngài vẫn sống “sự đối thoại” đó cho đến phút chót, bất chấp những gièm pha. Bởi vì Đức Cố TGM Phaolo đã hiểu rằng: nếu không có đối thoại, sẽ chẳng có ơn cứu độ. Thêm vào đó, ngài còn kể lại một vài câu chuyện để nói về Đức Cố TGM Phaolo với những nét tiêu biểu trong tư cách là Giáo sư, tư cách là nhà đào tạo và là con người cầu nguyện. 

Kết thúc bài giảng, ĐHY mượn lời của Thánh Phaolo 2 Tm 4,7 để giả định rằng, nếu Đức Cố TGM Phaolô nói lời sau cùng, Ngài sẽ nói những lời này “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững đức tin.”

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà chết đi, mà thối đi, thì nó sẽ sinh ra nhiều bông hạt…Vì con bước vào dương thế để làm theo ý Cha…là con chết, là con chết con chết đi cho anh em con.” Những ca từ của bài hát do ca đoàn thể hiện trong phần Hiệp Lễ dường như làm cho mọi người cảm nhận sâu lắng và tâm tình hơn cái chết của một vị mục tử, của một hạt lúa chịu tan biến để nảy sinh nhiều bông hạt mới nơi Đức Cố TGM Phao lô Bùi Văn Đọc.

Trước khi cử hành Nghi thức Tiễn Biệt, cha Tổng Đại Diện Inhaxio Hồ Văn Xuân đã thay mặt cộng đoàn Dân Chúa TGP Sài Gòn để thưa lên Đức Cố TGM những lời sau cùng. Bầu khí lặng như tờ, và những giọt nước mắt đã chảy xuống sau lời mở đầu của Cha Inhaxio “Trọng kính Đức Tổng Phaolo…” .Có lẽ cả cha Inhaxio cũng nghẹn ngào nên sự thinh lặng kéo dài…đủ để mọi người đồng cảm xúc trong tiếc thương.

Sau lời tiễn biệt, Đức Cha Giuse Nguyễn Mạnh Hùng đã thay mặt Cộng đoàn Tổng Giáo Phận Sài Gòn và Gia đình Linh tộc, Huyết tộc dâng lời cám ơn quý Đức Hồng Y, Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN, Quý Đức Cha, Các vị Đại diện Chính Quyền, Đại diện Ngoại Giao đoàn, quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha các Giáo Phận, quý Anh Chị Em Tôn Giáo bạn…cùng tất cả mọi người. Đặc biệt ngài cám ơn đến ĐTC Phanxicô, đã thương dâng Thánh Lễ cho Đức Tổng, và ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ sự Thánh Lễ đưa chân với các Giám Mục Việt Nam trong Đền Thờ Thánh Phêrô, cám ơn sự phân ưu của Bộ Loan Báo Tin Mừng các Dân tộc…

Tiếp đến, Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt đã chủ sự Nghi thức Phó dâng và Từ Biệt. Sau đó, Linh Cữu Đức Cố TGM Phao lô đã được rước vào bên trong Nguyện Đường Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn, nơi sẽ an táng Đức TGM. Phần Nghi thức tại Phần Một do Đức Cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho chủ sự.

Vì Nguyện Đường Đại Chủng Viện nhỏ hẹp, nên chỉ có Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha Ban Cố Vấn Mục vụ, Quý Cha Tổng Đại Diện, 4 vị đại diện các cấp chính quyền và khoảng 20 người thuộc Gia đình Linh Tông, Huyết tộc của Đức Cố TGM đi trước và theo sau Linh Cữu cũng như tham dự trực tiếp các nghi thức sau cùng trong phần An Táng Đức TGM. Đức TGM Phaolô sẽ được an táng bên cạnh phần mộ của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Giám Mục phụ tá Aloisius Phạm Văn Nẫm. 

Sau phần hạ huyệt, lấp huyệt, mọi người đã xếp hàng vào viếng phần mộ của Đức Cố TGM Phao lô Bùi Văn Đọc, và chào tiễn biệt Ngài lần cuối.

Thánh lễ An Táng và chôn cất Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã diễn ra trong bầu khí thật sốt sắng, cảm động và chứa đựng nhiều tâm tình. Dù buồn khi Gia đình TGP Sài Gòn mất đi Vị Cha Chung, nhưng trong niềm tin, đó là niềm vui vì cái chết của Đức TGM Phaolô quả đặc biệt, và xem ra thật đúng với những gì Ngài đã chọn “Chúa là niềm vui của tôi” (Tv 42,4)

Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, OP
Hình: MVTT TGP Sài Gòn

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW