Ngày 30/6: Kính Thánh Lm. Vinh Sơn Đỗ Yến, tử đạo

30-06-2014 Chức năng bình luận bị tắt ở Ngày 30/6: Kính Thánh Lm. Vinh Sơn Đỗ Yến, tử đạo by

Thánh Ðỗ Yến là một linh mục rất tuấn tú khôi ngô. Ngài có gương mặt của một vị anh hùng cương nghị đầy lòng yêu thương mọi người, khi lính triều đình bắt ngài, họ phải ngạc nhiên vì đã bắt được một linh mục rất khôi ngô tuấn tú. Họ thốt lên: "May quá, chúng ta đã bắt được một linh mục thật kiểng trai"

Thực vậy, từ hồi còn nhỏ, cậu Yến đã tỏ ra là một cậu bé ngoan ngoãn và rất kháu khỉnh. Cậu sinh năm 1764 tại làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Cậu bằng lòng bỏ tất cả để dâng mình vào nhà Chúa lúc 12 tuổi. Trong trường học, cậu tỏ ra rất thông minh và đầy đức độ. Cậu không bao giờ làm mất lòng một người nào. Trong hồ sơ phong thánh cho cha, một nhân chứng đã quả quyết: "Cha Yến là một vị đầy lòng từ bi bác ái, tính tình rất dễ thương, đồng thời cũng đầy cương nghị, nét mặt lúc nào cũng vui vẻ. Khi sống giữa giáo dân ngài luôn luôn sẵn sàng lo lắng cho con chiên và tận tụy hết mình. Sống giữa anh em dòng, ngài luôn luôn quên mình và thích sống ẩn dật. Ngài không bỏ qua một cơ hội nào mà không giúp đỡ những người chung quanh. Ngài rất nhân từ, hiền lành vui vẻ và có trí phán đoán sâu sắc. Tất cả tâm hồn ngài tập trung mỗi khi dâng lễ và làm các phép bí tích".

Năm 40 tuổi ngài chịu chức linh mục do Ðức Giám Mục Delgado, đại diện tòa thánh địa phận Ðông. Trong thời kỳ bắt đạo rất gắt gao của vua Cảnh Thịnh, ai cũng tưởng rằng công việc truyền giáo của cha rất ngắn ngủi. Cuộc bắt đạo rất dã man, Cha Yến đã bị tố giác và bị bắt bỏ tù. Họ đeo gông vào cổ ngài và xiềng chân bằng xích sắt. Ngài chịu đau khổ rất nhiều. Sau một tháng giáo dân đút lót cho lính và cha được thả tự do.

Khi trở về làng, cha lại hăng say bắt tay vào việc. Vì đã được nếm mùi đau khổ vì Chúa nên cha lại càng tha thiết muốn chết vì đạo và để dọn mình làm của hiến tế đẹp lòng Chúa hơn, cha đã xin vào dòng Ða Minh năm 43 tuổi. Ngày 22-7-1807, ngài lãnh áo tập viện và ngày 22-7-1808 ngài khấn dòng. Lòng mến Chúa mỗi ngày càng tăng lên từ khi ngài hiến thân trọn vẹn. Ngài siêng năng cầu nguyện, hãm mình và phục vụ Chúa trong mọi người một cách rất chu đáo.

Khi ra khỏi tù ngài được đổi về xứ Kẻ Một, sau ít lâu ngài lại đổi về xứ Kẻ Sặt. Tại bất cứ nơi nào ngài cũng tỏ ra là một vị linh mục rất đạo hạnh và hoạt động đắc lực cho Chúa.

Vào thời kỳ này có lệnh vua Minh Mệnh cấm đạo và Trịnh Quang Khanh hết lòng chu toàn sắc chỉ lùng bắt các linh mục mà họ gọi là đạo trưởng, vì thế Cha Yến phải trốn tránh nhiều nơi. Cha dự định ẩn trốn tại họ Lục Ðiền. Trên đường đi, cha mệt mỏi ngồi bên gốc tre để nghỉ mát. Có một người ngoại đạo đến dò la tông tích của cha. Cha biết thâm ý của hắn nên giả đò hỏi thăm đường lên Lục Ðiền và Kẻ Sặt. Thấy vậy, người này không còn nghi ngờ nữa. Cha lại tiếp tục lên đường. Sau một lúc ngài lại gặp một người lạ mặt khác tên là Khán Râu và người này biết chắc chắn ngài là linh mục. Chàng ta giả đò lo lắng cho Cha Yên và mời vào nhà mình nghỉ mát. Trong lúc đó chàng ta lên huyện báo cho lính bắt. Giáo dân nghe tin lên xin chuộc cha, nhưng cai Khán là tên phản, nhất định không nhận tiền chuộc vì hắn hy vọng sẽ được thưởng nhiều hơn nữa nếu vụ này tới tai vua. Sau đó, được lệnh quan, lính đóng gông, đeo cùm để lôi ngài về tỉnh Hải Dương, một tỉnh quan trọng miền Ðông. Tổng đốc Hải Dương và Quảng Yên lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ. Ông đã ra án cho Cha Yến, Cha Duệ và Cha Hạnh trong khi lùng bắt Cha Viên theo các lá thơ bị bắt được.

Tin Cha Yến bị bắt tới tai giáo dân Kẻ Sặt. Họ dự định chiêu mộ giáo dân về Hải Dương để đánh tháo cha. Nhưng khi nghe tin ấy ngài cản ngăn ngay. Và Cha Yến bị tống ngục ngày 2-6-1838.

Ngày 11-6-1838 ngài bị điệu ra tòa, quan tòa tra tấn ngài rất dã man và bắt ngài khai lý lịch rất tỉ mỉ. Mục đích là họ muốn bắt ngài khai tông tích những linh mục ngoại quốc. Cha Yến vẫn một mực yên lặng và rất hiên ngang nhận mình là linh mục Chúa Kitô. Quãng thời gian này, có một vị lương y tên Hân rất thương mến cha. Ông làm đủ cách để xin tha Cha Yến và đút lót để cha khỏi phải mang gông cùm như những người khác. Chẳng hạn, ông bảo cha nhận mình là lương y nhưng cha thẳng thắn nói: "Tôi không phải là lương y, tôi là linh mục Công Giáo. Phận sự của tôi là dâng thánh lễ và rao giảng tin mừng Chúa Kitô. Tôi muốn chết vì chức vụ này và tôi sẽ chết một cách sung sướng. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một ân huệ nào bằng cách nói sai sự thật".

Các quan vẫn không chấp nhận lời cha nói và vì muốn làm hài lòng vị lương y Hân nên vẽ vòng tròn và bảo cha bước qua như bước qua thập giá vậy, Cha Yến lớn tiếng phản đối, nhất định không bước qua vòng tròn. Tất cả quân lính rất ngạc nhiên và cảm phục đức tin mạnh mẽ của cha. Họ nghĩ rằng bao nhiêu người tại Bắc Việt đã nói dối để được lợi lộc tí chút, còn Cha Yến, một vị linh mục đã 74 tuổi, già yếu mà nhất định đánh đổi đời mình cho Sự Thật là Thiên Chúa. Mặc dù các quan muốn kiếm cách tha để lấy tiền, đề nghị chuyển vụ án về tỉnh Nam Ðịnh, nhưng Minh Mệnh đã kết án Cha Yến như sau: "Ðỗ Yến, người bản xứ, đạo trưởng đạo Gia Tô đã theo tà đạo, nghiên cứu và dụ dỗ người khác, thần dân của trẫm. Hắn đã bị bắt và không chịu từ bỏ đạo này. Hắn quá mù quáng cố chấp không theo đường ngay. Hắn thật đáng ghét. Vậy hãy chém đầu Ðỗ Yến. Không cần phải đem về cho các quan án tỉnh Nam Ðịnh nữa vì nào có ích chi". Sắc lệnh trên đến tỉnh Hải Dương ngày 30-6.

Ðứng trước sự cương trực và đức tin dũng cảm hiếm có của cha, quan không còn gì hơn là áp dụng lệnh vua. Cha Yến lúc đó đã quá yếu vì đã trải qua bao đau khổ, nhưng lý hình vẫn không tha và bắt cha đeo xiềng xích gông cùm. Cha đã ngã quỵ mấy lần, nhưng cuối cùng cha cũng bị lôi tới ngã tư gần Kim Ðôi, làng Bình Lao. Họ lấy manh chiếu trải ra trên nền đất gồ ghề và một mảnh chăn cũ đặt giữa, họ đẩy cha quỳ xuống. Cha xin một phút cầu nguyện, họ cho phép cha và sau một phút, cha đưa đầu ra cho lý hình chém. Chỉ một nhát kiếm, linh hồn ngài lìa khỏi xác. Lương cũng như giáo ùa tới thấm máu và lấy tất cả những gì thuộc về ngài. Ngã tư nơi Cha Yến bị trảm quyết rất gần Hải Dương và là ngã tư đường đi Nam Ðịnh và Hà Nội. Giáo dân chôn xác Cha Yến tại Bình Lao khoảng tám tháng, sau đó lại di chuyển xác về nhà thờ làng Thọ Ninh của họ. Khi quật xác lên, thì lạ thay xác vẫn còn tươi tốt như cũ, lại xông một mùi hương thơm tho lạ thường. Ðức Thánh Cha Leo XIII đã phong Á Thánh cho ngài.

Ngày nay các du khách từ Hải phòng ra Hà Nội vẫn phải đi qua trạm xe lửa của Hải Dương và du khách có thể nhìn thấy một ngôi nhà nguyện nhỏ bé xinh xắn đã được xây cất để ghi dấu nơi cả ngàn giáo sĩ và giáo dân bị trảm quyết vì đã không bỏ đạo.

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW