Lời chủ chăn Tháng 03-2019

28-02-2019 Chức năng bình luận bị tắt ở Lời chủ chăn Tháng 03-2019 by

TÂM HỒN THẤM NHUẦN LÒNG THƯƠNG XÓT

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Hiệp cùng toàn thể Hội Thánh, ngày 06 tháng 3, chúng ta cử hành Lễ Tro để khai mạc Mùa Chay. Trong Mùa Phụng Vụ này, chúng ta được thôi thúc nhiệt thành hơn trong việc thực hiện các việc đạo đức như hy sinh, cầu nguyện, chay tịnh, làm việc bác ái, tham dự Thánh Lễ, tĩnh tâm, xưng tội nhằm mục đích hoán cải tâm hổi và đổi mới đời sống để được nên giống Chúa Kitô hơn. Hướng theo tinh thần đó, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi tâm tình và suy nghĩ về Lòng Thương Xót mà Giáo phận chúng ta, từ hơn hai năm qua, đã dấn thân sống và thực hiện trong hành trình thiêng liêng và mục vụ, với đề tài “Tâm Hồn Thấm Nhuần Lòng Thương Xót”.

1. Canh tân lòng trí và nếp sống theo tinh thần của Chúa

Đoạn Tin Mừng Thánh Marcô chúng ta được nghe trong Thánh Lễ Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Thường Niên thuật lại việc Chúa và các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia biển hồ. Đang trên hành trình Chúa bảo các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pharisêu và men Hêrôđê” (Mc 8,15-16). Nghe thế, các môn đệ bàn tán với nhau về chuyện các ông chỉ đem theo có một chiếc bánh và nghĩ là Chúa nhắc khéo chuyện đó. Biết thế, Chúa nói với các ông: Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu, chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh? Các ông đáp: Thưa được mười hai. Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? Các ông nói: Thưa được bảy. Người bảo các ông: Anh em chưa hiểu ư?” (Mc 8,17-21).

Chúa trách các môn đệ lòng trí ngu muội, mắt nhìn mà không thấy, tai nghe mà không hiểu. Nhưng thấy cái gì và hiểu cái gì? Trong câu chuyện hai phép lạ Chúa nhắc tới trên đây, có hai điều có thể được nhận diện. Điều thứ nhất là quyền năng phi thường của Chúa, có thể thực hiện phép lạ và điều thứ hai là tấm lòng của Chúa đối với dân chúng. Sau khi đã chứng kiến những phép lạ tỏ tường, chắc chắn các môn đệ không thể hồ nghi quyền năng làm phép lạ của Chúa, nên điều còn lại là tấm lòng của Chúa đối với dân chúng. Quả thực, đây là vấn đề của các môn đệ mà chúng ta có thể diễn tả qua cụm từ: “Theo Chúa cách hời hợt” hay “Theo Chúa cách nửa vời”. Các môn đệ ở với Chúa, nhìn tận mắt các phép lạ Chúa làm, nghe tận tai từng lời Chúa giảng dạy nhưng xem ra các ngài vẫn không hiểu được và cảm được tấm lòng của Chúa đối với dân chúng. Tư tưởng, cách suy nghĩ và tâm tình của các ngài vẫn rất xa lạ với Chúa. Trong Tin Mừng thánh Marcô, chúng ta thấy mặc dù đã chấp nhận theo Chúa, ở với Chúa và cộng tác với Chúa, các môn đệ vẫn không hiểu Ngài, không hòa hợp với tinh thần, tâm thức và cách sống của Ngài. Các môn đệ nhìn Chúa, lượng định các hành vi và cử chỉ của Chúa theo cách suy nghĩ và tình cảm của mình. Dù đã theo Chúa từ lâu, thế mà sau khi Chúa làm cơn bão yên lặng, các môn đệ vẫn chưa nhận ra sự thật về Chúa nên ngơ ngác hỏi nhau: “Vậy Ngài là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”(Mc 4,35-41).

Những điều trên đây đủ để nói lên tình trạng nông cạn, hời hợt của các môn đệ. Họ đã chấp nhận theo Chúa, nhưng vẫn chưa đặt mình vào vị thế của Chúa; họ đồng hành với Chúa trong việc phục vụ và dạy dỗ dân chúng, họ nói những lời của Chúa, nhưng lòng trí họ khác xa lòng trí của Chúa, tâm tư của họ là tâm tư theo thói đời, cái lý của họ là cái lý của thế gian chứ chưa phải là tâm tư và lý lẽ của Chúa. Khi Chúa tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, môn đệ Phêrô ngăn cản Ngài, Ngài quở trách và gọi ông là satan, không phải vì ông không thương yêu Chúa, nhưng vì ông không nghĩ tưởng theo Thiên Chúa mà theo thế gian và cắt nghĩa chương trình của Chúa theo phạm trù nhân loại (x. Mc 8,32-33).

Vấn đề của các môn đệ khi xưa có phải là thực trạng của chúng ta, các linh mục và tu sĩ ngày nay không? Nếu áp dụng vào tinh thần “Lòng Thương Xót” mà Giáo phận chúng ta đang cố gắng thực hiện từ hơn hai năm nay, tôi có cảm tưởng là còn nhiều anh chị em giáo dân còn xa lạ với tâm tư và nếp sống lòng thương xót. Xem ra cũng còn các linh mục và tu sĩ vẫn chưa để cho lòng mình, đời mình thấm đậm lòng thương xót của Chúa, nên cách cư xử và công việc mục vụ hằng ngày đôi khi nặng tính quyền bính, công chức hơn là cách thế của người mục tử, với tấm lòng của người cha, người mẹ, theo gương mẫu Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành. Khi lòng không chất chứa tình thương yêu xót thương đối với người nghèo và người tội lỗi, lời nói và công tác mục vụ sẽ dễ làm tủi nhục và gây chia sẽ, thù hận.

Tôi ao ước tất cả chúng ta cùng quyết tâm sống Mùa Chay này như thời gian hồng ân để cử hành vàcảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con người yếu đuối, tội lỗi, để rồi biết thương xót lẫn nhau và mọi người, cũng đều là những con người mỏng giòn, yếu đuối. Như vậy,Mùa Chay năm nay sẽ là “Mùa Lòng Thương Xót” cho Giáo phận chúng ta. Ước mong này sẽ thành sự thật, nếu các linh mục và tu sĩ của Giáo phận nhiệt thành cầu nguyện và siêng năng học hỏi, suy gẫm Lời Chúa để cho lòng Chúa xót thương thấm nhuần sâu sa vào tâm trí chúng ta, làm cho đời sống và công việc mục vụ của chúng ta được thay đổi, rập theo khuôn mẫu của Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót.Trong tinh thần này, tôi muốn lặp lại cho mọi người lời Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã mời gọi năm xưa: 

Anh chị em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” (Cv 2,40);

Anh chị em đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh chị em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (Rm 12,2).

2. Đời sống và việc mục vụ theo tinh thần Lòng Thương Xót

Lòng thương xót là tình yêu đối với người bệnh tật, yếu kém, nghèo đói, nói chung là những người đau khổ và đối với những người mang trong mình những yếu đuối, những tật xấu, nói chung là người tội lỗi. Đối với hai loại người này, tình yêu được gọi là lòng thương xót, diễn tả qua nhiều cách thức, nhiều nẻo đường khác nhau như :gần gũi, chia sẻ, tha thứ, giải thoát, cứu rỗi.

Tình yêu đối với những người đau khổ

“Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: ‘Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.’ Các môn đệ thưa Người: ‘Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?’ Người hỏi các ông: ‘Anh em có mấy chiếc bánh?’ Các ông đáp: ‘Thưa có bảy chiếc.’  Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đanmanutha.” (Mc 8,1-10)

Chúa thương xót nhân loại lầm than, đau khổ. Các sách Tin Mừng thuật lại rất nhiều lời kêu xin, van nài của những người đau khổ: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót chúng con” và Chúa Giêsu đáp lại lời họ van xin, với lòng nhân hậu(Mc 1,40-44; Mc 10,47-48;Mt 9,27; Mt 17,15; Mt 20,30-31; Lc 16,24; Lc 17,13; Lc 18,13; Lc 18,38-39). Nhưng trong bài tường thuật trên, dân chúng chưa kêu xin mà Chúa đã nhìn thấy khó khăn, đau khổ của họ và tìm cách đáp ứng. Điều đáng lưu tâm là tâm tình của Chúa đối với đám đông:Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: ‘Thầy chạnh lòng thương đám đông’”. Chính nhờ cái tâm biết “chạnh lòng thương” mà Chúa đã nhìn ra cái đói, cái khổ của dân chúng: “Họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường”.

Chạnh lòng thương” là đặc tính của Chúa trong mối tương quan với dân chúng(x. Mt 9,36; Mt 14,14; Mt 15,32; Mc 1,41; Mc 8,12; Lc 7,13; Lc 10,33; Lc 10,37). Các môn đệ của Chúa cũng thấy đám đông dân chúng đó, nhưng họ không thấy cái đói, cái khổ của dân, vì thiếu cái tâm biết “chạnh lòng thương”của Chúa.

Nhận xét trên đây trở thành một câu chất vấn cho các linh mục và tu sĩ, môn đệ của Chúa trong thế giới ngày nay. Lắm khi các môn đệ của Chúa bận tâm, lo lắng trăm chuyện, nhưng những người đau khổ, có khi ở ngay bên cạnh mà vẫn không thấy. Mà những người đau khổ đâu phải chỉ vì nghèo đói! Nhiều người đau khổ vì bơ vơ lạc lõng, vì nản chí, thất vọng, vì bệnh tật mà không có tiền chạy thầy, chạy thuốc, vì không được kính trọng, bị hiểu lầm, bị cáo gian, bị hất hủi, vì vợ chồng bất hòa, vì gia đình tan vỡ… Có khi vấn đề còn trầm trọng hơn vì không phải chỉ là không nhận ra những đau khổ của người khác, mà vì chính mình gây ra đau khổ cho người ta mà không nhận ra, hay nhận ra mà coi thường. Điều này xảy ra không phải “tối trí”, mà vì “tối dạ”, nghĩa là lòng dạ chúng ta tăm tối vì bị che phủ bởi những dục vọng và bởi cái tôi quá lớn. 

Trước những con người đau khổ, lầm than, Chúa nhìn, Chúa nghe, Chúa cảm thông và Chúa xuống cứu giúp (x. Xh 3,7-8). Đó cũng là lộ trình chúng ta cần bước theo để trở thành mục tử có lòng thương xót. Chớ gì các linh mục và tu sĩ của Giáo phận có đôi mắt biết nhìn người đau khổ, nhận ra ánh mắt van nài mà không quay đi, có đôi tai không đóng lại trước lời kêu cầu thống thiết của người tuyệt vọng, biết tránh những lời nói, cử chỉ và hành động lạnh lùng, thiếu cảm thông và bác ái; biết đến gần, biết “chạnh lòng thương” để cảm thấy cái khổ của dân như của chính mình theo tinh thần “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (VMHV, 4); chớ gì các linh mục và tu sĩ của Giáo phận cũng biết dấn thân thông truyền và hướng dẫn đoàn Dân Chúa noi theo con đường tình yêu xót thương. Được như vậy thì Mùa Chay năm nay của Giáo phận sẽ trở thành “Mùa Lòng Thương Xót”.

Tình yêu đối với những người tội lỗi

Trong các dụ ngôn, có lẽ không dụ ngôn nào diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người tội lỗi rõ ràng hơn dụ ngôn những người làm vườn nho sát nhân:

“Có người kia trồng được một vườn nho… Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.’ Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho… Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!’”(Mc 12,1-12).

Ông chủ trong dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa giầu lòng thương xót và những người làm vườn nho sát nhân là hình ảnh của nhân loại tội lỗi. Dụ ngôn mở ra trước mắt chúng ta cuộc đọ sức giữa lòng thương xót của Thiên Chúa và sự độc ác của con người tội lỗi. Thiên Chúa sai các sứ giả đến, kẻ thì bị đuổi về, người thì bị chửi mắng hay bị giết. Thiên Chúa vẫn không nản lòng, tiếp tục sai các sứ giả khác và cuối cùng, Ngài đã sai chính Con Một Ngài, “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5,21). Sự ác độc của lòng dạ loài người gia tăng thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng gia tăng thêm và gia tăng tới điểm tột cùng là sai đến chính Chúa Giêsu là Con Một yêu quí của Ngài. Dụ ngôn kết thúc với sự chiến thắng của lòng thương xót của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Đứng giữa cuộc đọ sức của lòng Thiên Chúa thương xót và sự độc ác của lòng dạ loài người là Chúa Giêsu: Ngài chiến thắng tội lỗi và sự độc ác của loài người bằng sức mạnh của tình yêu dâng hiến trên Thánh Giá, biểu tượng của một nghịch lý: chính lúc thua là lúc thắng, chính lúc xem ra yếu đuối là lúc mạnh mẽ nhất, sức mạnh của tình yêu tha thứ, chính nhờ việc chịu đựng bất công với lòng thương xót, Ngài đã thuyết phục và cải hóa lòng người, đem lại công bằng, bình an, hòa giải và ơn cứu độ: “Chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” (Eph 2,14-17).

Các linh mục và tu sĩ là môn đệ của Chúa Cứu Thế, có sứ mệnh tiếp tục công trình cứu độ của Người cũng phải theo con đường của Người, với tinh thần của Người. Trong thế giới hôm nay, người môn đệ của Chúa, nếu không tỉnh thức, sẽ dễ bị lý lẽ của trần thế mê hoặc quyến rũ. Chính Chúa Giêsu trong hoang địa cũng đã từng bị ma quỷ lừa đảo quyến rũ bằng cách trình bày sự thật một nửa với những lý lẽ lấy từ Kinh Thánh (x. Mt 4,1-11). Trong hoàn cảnh này, ngoài đời sống thân mật với Chúa, sự thành tâm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa, còn cần phải có lòng khiêm nhượng, “vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1Pr 5,5).

Để kết thúc bài chia sẻ, tôi muốn bày tỏ lòng ao ước được nhìn thấy các linh mục và tu sĩ của Giáo phận là những chứng nhân của Lòng Thương Xót, biết khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa cho đoàn Dân Chúa và cho tất cả nhân loại, đồng thời cũng biết hướng dẫn mọi người thương xót lẫn nhau. Để được như vậy, chính các linh mục và tu sĩ phải là những người biết mở lòng đón nhận để được thấm nhuần lòng thương xót của Chúa và để xác tín thực sự đây là điều thiết yếu: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; x. Mt 12,7). Xin Đức Mẹ đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong sứ vụ này để nơi nơi trong Giáo phận đều lan tỏa hương thơm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW