Cơn đói của con người & quyền năng của Thiên Chúa – Bài giảng Chúa nhật XVIII thường niên B

03-08-2018 Chức năng bình luận bị tắt ở Cơn đói của con người & quyền năng của Thiên Chúa – Bài giảng Chúa nhật XVIII thường niên B by

Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa. Qua lời tuyên bố này, Chúa khẳng định với chúng ta, cùng với sự đói khát lương thực, con người luôn luôn cần được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa. Đó là cơn khát thiêng liêng của con người trải qua mọi thời đại. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu thẳm của con người, vì Ngài là Đấng quyền năng và là Chủ tể mọi loài.

Những người đã trải qua đói khát trong tù, hoặc khi bị lạc trong rừng thường kể lại những cảm giác kinh hoàng. Đó là lúc họ phải đối diện với sự chết. Vì thế, họ có thể ăn bất cứ thứ gì để bớt cơn đói. Những lúc đó mới thấy nhu cầu lương thực cần thiết như thế nào đối với đời sống con người. Đó cũng là kinh nghiệm mà dân Do Thái đã trải qua trong hành trình sa mạc. Tác giả sách Xuất hành (Bài đọc I) đã kể lại tình trạng đói khát của dân. Trong lúc túng cực đó, họ đã phàn nàn kêu trách hai anh em ông Môisen và ông Aaron. Họ tiếc nuối thời còn sống trong Ai Cập, vì ở đó họ được ăn thịt no nê. Lúc này, họ sẵn sàng đánh đổi lương thực để tái chấp nhận cảnh sống nô lệ cơ cực. Bánh ăn luôn là cơn cám dỗ ngọt ngào, làm cho con người có thể đánh đổi mọi sự, kể cả mạng sống để đạt được thứ làm cho họ khỏi đói. Sự đói khát nơi những người nghèo khổ cũng là một thách đố lớn của mọi thời đại xã hội. Trong bối cảnh khó khăn đói khát, người ta kêu trách Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện hữu và quyền năng của Ngài.

Cám dỗ về bánh ăn cũng là kinh nghiệm Chúa Giêsu đã trải qua trong sa mạc. Sau thời gian chay tịnh, ma quỷ đã thách thức Chúa hãy làm cho đá biến thành bánh. Chúa Giêsu đã khước từ lời cám dỗ này, và tuyên bố: con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa. Qua lời tuyên bố này, Chúa khẳng định với chúng ta, cùng với sự đói khát lương thực, con người luôn luôn cần được dưỡng nuôi bởi Lời Chúa. Đó là cơn khát thiêng liêng của con người trải qua mọi thời đại. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những khát vọng sâu thẳm của con người, vì Ngài là Đấng quyền năng và là Chủ tể mọi loài.

Mặc dù dân Do Thái kêu trách ông Môisen, người đại diện của Chúa, Chúa vẫn ra tay cứu giúp họ. Man-na và chim cút là lương thực Chúa gửi đến nuôi dân đang tiến về Đất hứa. Chắc chắn đây không phải là hiện tượng tự nhiên, nhưng là phép lạ Chúa làm, vừa để tỏ bày quyền năng Chúa, vừa tỏ lòng thương xót của Ngài đối với dân. Trong suốt thời gian dân Do Thái lữ hành sa mạc, mỗi ngày Thiên Chúa đều nuôi dưỡng họ bằng hai thứ lương thực này, cho đến khi họ đã đến đất định cư, thì không còn man-na và chim cút nữa.

Câu chuyện man-na và chim cút trong sa mạc in sâu nơi tiềm thức mỗi người dân Do Thái. Họ coi đó là bằng chứng của lòng thương xót Chúa dành cho dân riêng Ngài chọn. Khi nhắc lại sự kiện này, Chúa Giêsu muốn giới thiệu những bằng chứng hùng hồn hơn về tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Đó là Bánh Trường Sinh mà Chúa Giêsu ban tặng. Bánh ấy không đơn thuần là vật chất, mà là chính Thịt và Máu Chúa Giêsu, là lương thực thiêng liêng để nuôi sống con người và biến đổi làm cho cho họ được trở nên thần linh, được tham dự vào sự sống của Đấng Tối cao. Cuộc tranh luận với người Do Thái trong Tin Mừng Thánh Gioan (chương 6) cũng là mạc khải từng bước giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể. “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”. Đây vừa là lời khích lệ, vừa là lời hứa cho những ai thành tâm đón nhận lương thực thiêng liêng trong đức tin chân thành và tâm tình yêu mến.

Con người hôm nay không chỉ đói lương thực, nhưng còn đói khát kiến thức, văn hóa, và nhất là đói khát tình thương. Điều nghịch lý là trong khi của cải càng ngày càng phong phú, kỹ nghệ máy móc càng ngày càng tinh vi, thì tình người càng ngày càng nghèo đi. Sự nghèo về tình người dẫn đến nghèo về cơm bánh, vì khi người ta sống ích kỷ thì không có sự chia sẻ giúp đỡ nhau. Giáo Hội luôn kêu mời và cổ võ những hoạt động thiết thực nhằm giải phóng con người khỏi đói nghèo, dốt nát và hận thù. Sống màu nhiệm Thánh Thể cách đích thực là cảm thông chia sẻ với người nghèo đói, để họ được sống theo đúng phẩm giá con người và phẩm giá của con Thiên Chúa. Qua Giáo Hội và qua mỗi Kitô hữu, Thiên Chúa vẫn đang đến cứu giúp những người nghèo khó bất hạnh, để nâng đỡ họ và giúp họ vững bước trong đường đời.

Như dân Do Thái xưa trong hành trình sa mạc, chúng ta đang sống trong cuộc lữ hành trần gian. Cuộc sống đan xen những vui buồn, và đầy những gian nan trắc trở. Giữa những buồn vui trắc trở ấy, chúng ta cần được Chúa dưỡng nuôi thêm sức. Bánh trường sinh mà Chúa Giêsu đã hứa, chính là bản thân Người, tự hiến để nên của ăn của uống thiêng liêng cho chúng ta. Thánh Phaolô khuyên chúng ta, một khi lãnh nhận của ăn thiêng liêng là Mình và Máu Chúa, cuộc đời của chúng ta phải được biến đổi: “Anh em hãy cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em và mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. Con người mới mà Thánh Phaolô nói tới, chính là con người được thần linh hóa nhờ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, nhờ vậy, chúng ta nên một với Người và hình ảnh của Người tỏa sáng nơi cuộc đời chúng ta.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

About the author

The author didnt add any Information to his profile yet

Bản quyền © 2012 | www.giaoxukesat.com
ĐỊA CHỈ: SỐ 1/2 - KHU PHỐ 3 - PHƯỜNG TÂN BIÊN - BIÊN HOÀ - ĐỒNG NAI

Giáo Xứ Kẻ Sặt

FREE
VIEW